Viết cho Mẹ và Quốc hội (P. 5)

14. Việt Minh Cũ, Việt Minh Mới
Nhiều bạn già hay hỏi. Tôi sẽ trả lời ở đoạn này.
Bây giờ nói về Marcel “độ” tôi về Vĩnh Cữu.
Tôi đọc “Chương trình VM” cho anh Thức, anh Tươi và người lớn trong nhà nghe.
Sau đó cho chép, ai viết sách đẹp thì chép dùm.. Đứa em của anh Hai được nhờ, bỏ một bản vào bóp đầm, chuyển cho Chung Văn Năm.
Đà Lạt là thành phố lớn, đang có tù chính trị bị đày ở đó như Đào Duy Dếnh, thường được phép đi vào Broncadeur của Chung Văn Năm mà xin uống nước. Tài liệu VM sẽ giải phóng tinh thần cho họ. Còn là, xin thằng Năm cho tôi 100 đồng_ giá tiền cái tài liệu_ mua xe làm chưn.
Em của anh Thức, đại diện Lemur, duyên dáng đi vào pharmacie Cường & Lắm (ie. tiệm bán thuốc Tây), đưa cho Lắm, bạn học của tôi, để báo rằng tôi là VM, đã vào Saigon rồi.
(Tuần sau chúng tôi đến nghe trả lời. Lắm nói : “Coi rồi và đưa cho Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh coi. Ổng nhắn : “Tôi đồng ý với đường lối nhưng không xiêu lòng về phương pháp hành động”.

Nói vậy, tôi phụ trách 6 tỉnh.
Trong vòng 3 tháng, tôi đã đặt từ Tây Ninh, Thủ Dầu Một, đến Biên Hòa, Bà Rịa, chỗ nào cũng có một “ban cán sự”.
Ở Gia Định thì nói chuyện cho biết VM là gì rồi, để đó chớ không tổ chức, sợ “anh em Gia Định cho rằng xâm phạm đất đai” nhưng Gia Định-Cholon là tỉnh nhà.
Ở các tỉnh khác, nghe tôi là họ đi tìm. Không hề nói “cũ”, “mới” gì hết.
Tôi đi đường thì chỉ có mắc mưa. Còn đi tới đâu cũng dễ.
Mỹ Tho ư ? Anh em tướng cướp Vườn Nhãn là bạn. Những anh chị ở Cai Lậy mà thấy tôi, thì phải “ăn canh chua Cai Lậy” với nhau.
Gai Định à ? Từ Bà Quẹo tới Bà Điểm đâu cũng của những anh em đã từng bảo vệ tôi trong những cuộc mít-tinh.
Vậy thì họ không hề dỡ áo để xem lưng tôi là “mới” hay “cũ”.
Coi như Mười Trí, gặp tôi ảnh nói :
– “Mấy anh Bà Điểm là VM gì, các anh là VM gì ! Vậy mà tôi nghe họ định ám sát ông Sáu. Họ biểu tôi làm. Tôi ừ. Đẩy cây cho qua chớ làm sao tôi lại đi hại các anh được.
Có một lần tôi về Phú Lạc.
Vừa vào vựa cám của anh Tư Chí, gởi xe như mọi người, tôi thấy con Hai đánh máy cái gì đó. Con gái nhà quê mà đánh máy bắt tôi phải coi.
Nó đang đánh thêm một tập tài liệu mà nó đã đánh rồi. Tôi xem. Đó là “Rạng đông Của một Dân tộc”, bốn tờ pelure (ie. giấy mỏng dùng cho đánh máy) xếp đôi thành 16 mặt, đánh máy trên 8 mặt; đóng làm như vở tập học trò, có đề tập san của nhóm TiềnPhong, tác giả là Xuyên Vân Nhạn.
Như người may có hộp đồ may. Con Hai có hộp đựng giấy má pelure và carbonne (ie. giấy lót dùng để in). Tôi thấy trong đó còn có một tập khác nữa. Cũng cùng một con chim của ổ ấy ngậm trong mỏ cái tựa là : “Phương thức Cứu nước”. A ! Mà lại còn “Con đường Độc lập”! Mấy cái tên sách đặc san. Tôi hỏi của ai. Con Hai nói : “Chú Sáu”.
Tôi đứng đọc tại chỗ. Phải nói là tôi không bằng lòng với cái giọng văn :
“Ngày trước chỉ có một Pháp mà đánh không lại, ngày nay đánh Pháp đuổi Nhựt thì có nước chúng đánh cho chết không kịp ngáp”.
Và ở cuối của một tập “sách” có nói về màu cờ “cờ vàng là cờ thiên cổ của dân tộc, sao lại thay nó đi”.
Tất nhiên xốn con mắt quá, tôi nói với cháu Hai :
– “Chú sẽ nói với ba cháu… Và nếu chú Sáu có hỏi, cháu nói, Ba cháu không cho cháu “đánh” nữa.”
Xuyên Vân Nhạn là bút hiệu của Lý Ngọc Hưng, Tàu, tác giả của tiểu thuyết “Bồng lai Kiếm khách”.
Cò Xuyên Vân Nhạn, “chàng nhái”, tên thật là gì ? Bạn già thì ai cũng biết cả rồi, còn với bạn trẻ tôi xin không nói.
Chỉ nói đó là “tiền phong lạc nhạn”, con cô nhạn của nhóm mồ côi.

Xin bạn đọc tài liệu tôi cung cấp liền đây.
“Từ Xuyên Vân Nhạn đến nhóm Tiền Phong”.
(Một bài báo của cái gọi là “Nhóm Giải Phóng”)
“Năm, sáu tháng trở lại đây, thỉnh thoảng lại thấy một tập sách con con chép tay… (mất) vào hàng ngũ VM.
Đọc suốt 6 tập từ “Rạng đông Của một Dân tộc”đến “Phương lược Cứu nước” Xuyên Vân Nhạn (XVN) nhằm 3 mục đích sau :
1- Chưỡi Phát-xít Nhựt và bọn thân Nhựt. Suốt 6 tập sách XVN đã để hầu hết… mực để vạch mặt nạ của Phát-xít Nhựt, kế hoạch xâm lược của Điền Trung và các chính sách dã man của giặc Nhựt ở những xứ bị chiếm đóng để vạch mặt chỉ tên những nhóm thân Nhựt, từ “VN Phục quốc Đồng minh Hội”, “VN Quốc gia Đảng”, “VN Thanh niên Ái quốc Đoàn” đến bọn Cao đài, Hòa hảo, Huỳnh Long. Từ Cường Để, Trần Quang Vinh, Huỳnh Phú Sổ, đến Lý Huê Vinh, Hồ Nhựt Tân, Nguyễn Văn Sâm.
Ở đây, XVN nhiều khi đã tỏ ra là một ông tòa sáng suốt và hùng biện.
2- Giữ thái độ mập mờ với VM.
a/ Trong những tập trước, XVN tán thành và thán phục chính sách và tổ chức VM, khen lão Nguyễn Ái Quốc và… ân các chiến sĩ trong “VM” là “thật tâm ái quốc”.
b/ Trong tập thứ 6 gần đây, XVN lại phản đối VM ở màu cờ và khẩu hiệu chống Pháp.
3- Giữ một thái độ mập mờ với Pháp trong suốt 6 tập sách, không chỗ nào XVN tích cự đả đảo Phát-xít Pháp, XVN không nhận Pháp là kẻ thù dân tộc VN. Chỉ hô hào “kháng Nhật kiến quốc”. Hơn nữa XVN còn chỉ trích chủ trương “đánh đuổi Nhật, Pháp” của VM là bất hợp thời.

Căn cứ vào những điểm phân tích trên ta có thể kết luận rằng :
XVN đã chạy xa hàng ngũ và bị giặc Pháp mua chuộc, dùng làm tay sai để đánh đổ các phong trào và tổ chức thân Nhựt. Gần đây thấy phong trào thân Nhựt bắt đầu đổ vỡ và thấy chính sách và tổ chức của VM được quần chúng tán thành và tham gia nhiều, XVN lại dự định chui vào hàng ngũ VM. Những tập sách đầu mạt sát Nhựt và bọn thân Nhựt và tán thành VM đưa ra là cốt để câu mồi VM. Nhưng các đoàn thể trong VM còn phải điều tra… Còn về tư cách và xu hướng của XVN, sợ lộ chân tướng và biết không thể chui vào VM một cách dễ dàng, bèn cho ra tập thứ 6 phản đối VM và phá hoại công cuộc thống nhất dân tộc do VM chủ trương.
1-Những chiến thuật và chiến lược giả cách mạng mà Tiền phong đã nêu lên trong tập sách của XVN và tờ tuyên ngôn của chúng khác hẵn chiến thuật và chiến lược của VM.
2-Các đoàn thể cách mạng trong VM không thể hiệp nhất với bọn Tiền phong vì “ý kiến và tâm thuật không giống nhau”. Vì cái cố tâm phá hoại cách mạng của bọn trùm Tiền phong đã bị các chiến sĩ VM bắt được quả tang rồi.
3-Chiến sĩ 2 bên không thể họp lại xứ ủy Đảng CSĐD như Tiền phong đã thông báo
được vì :
a/ Giải phóng không phải là “một nhóm chiến sĩ” như Tiền phong mà chỉ là một tờ báo tuyên truyền cổ động của phân bộ VM Nam kỳ cũng như hàng chục tờ báo khác của VM khắp Trung, Nam, Bắc.
b/ Giải phóng chỉ là tờ báo của VM Nam kỳ, mà VM Nam kỳ cũng như VM toàn
quốc lại là một hình thức liên minh giữa nhiều đảng phái cách mạng VN. ĐCSĐD cũng chỉ là một bộ phận của VM thôi, vậy thì đại biểu của Giải phóng hay là của VM Nam kỳ không phải toàn là đảng viên CS cả thì làm sao lại có thể họp lại trong xứ ủy ĐCSĐD.
4-Vậy thì sự cử lại trong xứ ủy trong cuộc hội nghị sắp tới của Tiền phong xin trả lại cho Tiền phong. Đại biểu của VM không thể dự, mặc dầu Tiền phong có “nhã ý” hạ cố cho đại biểu của Giải phóng tham dự.
5-Và cuối cùng VM cảnh cáo cho Tiền phong biết rằng VM không cần đến các ông đứng ra lập xứ bộ Nam kỳ của Việt nam Độc lập Đồng minh.

Các ông Tiền phong, các ông chớ có mượn danh nghĩa VM mà nói bậy, viết bậy, và làm bậy nữa.

15. Vài Lời Thanh Minh
“Một lần nữa chúng tôi xin thanh minh rằng, các đồng chí cứu quốc trong VM rằng : XVN và bọn trùm Tiền phong không phải là những đảng viên CS. Việc chúng xưng là Xứ ủy Nam kỳ của Đảng CSĐD và đứng ra để lập “Xứ bộ Nam kỳ của VN Độc lập Đồng minh” là việc riêng của chúng. Cố nhiên là ĐCSĐD không thừa nhận chúng cũng như VN Độc lập Đồng minh không thừa nhận chúng.”

 Đại biểu CS trong bộ biên tập Giải phóng
(Giải phóng số 4 năm thứ 3 ngày 30-4-1945)

Tôi nói lưu ý bạn đọc. Nói “nhóm” là quen miệng như nói nhóm Dân Chúng, nhóm La Lutte, là nói người trong “bộ biên tập” tờ báo có tên ấy.
Thanh minh là đồng nghĩa với “nói rõ sự thật” hay “chối bỏ một sự nghĩ sai”.
Không thể nghĩ rằng tôi có trong bộ biên tập của báo “Tiền phong”. Vì trong ấy tôi có viết gì đâu ! Hơn nữa là khi tôi làm tay mặt, tay trái với ông Sáu thì tập sách ấy không còn ra nữa.

Tôi muốn chỉ ra: trong tờ Giải phóng có nói “bọn chúng như XVN” là những phần tử có tham gia vào một vài phong trào, tổ chức Hội Bình dân (1936-1939) nhưng sau cuộc khủng bố 1940 đã chạy xa hàng ngũ… “bị giặc Pháp mua chuộc”.
Nói như vậy trật lấc. Xuyên Vân Nhạn đâu có làm gì hồi Bình dân.
Còn trong chữ “bọn chúng” ấy. Không kêu thẳng tên tôi, thì tội gì tôi ơi !

16. Gặp “Đảng” Nói Chuyện Trợt Vỏ Chuối và Thanh Niên Tiền Phong
Hôm qua ở Chợ Đệm, làm lễ “Thanh niên Tiền phong tỉnh Cholon”.
Sáng nay có người quen mặt đã lâu năm, ghé nhà mà biểu :
– “Tối mai, bảy giờ đến Cây Da sà. Tôi đón. Có người muốn gặp anh.”
Tôi đi và gặp, trong chòi lá, trên ruộng lúa đã ngậm đòng đòng, anh Thới. (anh Thới nầy hồi 1939 đã bị bắt trong cuộc biểu tình của nông dân Gia định đòi thả Kiết, Thủ, Kỉnh, Trấn, cùng nằm một khám với chúng tôi, được mấy anh kia huấn luyện chính trị và tôi dạy cho văn hóa)
Sau khi mừng rỡ va ôm nhau hôn thấm thía (cách tướng thuật, học của báo Nhân Dân) chúng tôi ngồi lại ngoài bìa một bộ ván phên, bốn cẳng thòng xuống đất.
Trong chòi, lời mờ ánh sáng của đêm đen.
Tôi ngó qua nhà anh Thới, trong cảnh trí này, không dám nghĩ lại là người tôi dạy học, mà nhớ những khi nói chuyện với Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, bắt tôi cung kính thân mật, nói cười mà thật thà (thưa chuyện với Đảng).
Cuộc trò chuyện như vầy đã xảy ra :
“…
Anh Thới :
– “Lâu quá, cho người xuống nhà hoài mà không gặp. Nay gặp, hỏi anh : ‘bộ hết người rồi sao mà bắt tay với thằng đó ?’ ”
Người kể (ie. tác giả) :
– “Tôi đang trồng cà phê và dạy học ở La Ba. Được tin Bà Rá, Tà Lài vượt ngục như Quan Công nghe tin Lưu Bị, tôi tuột đèo mà về. Tôi có gặp chị Đầy, nhờ chị bắt dùm liên lạc. Chị không chịu, chỉ nói thằng Kiết cũng vượt ngục Bà Rá, chỉ đã bắt dùm liên lạc. Vài ngày sau Kiết bị bắt, bị đánh chết trong Catinat. Bây giờ chị không dám giới thiệu cho ai khác nữa.”
– “Cũng có vượt ngục và vượt ngục. Người ta có đặt vấn đề do Tây thả.”
– “Anh vừa mới nói “thằng đó” thì là sao ?” (ie. tác giả hỏi)
– “Thì hồi nằm khám 6, Dân Tôn Tử, Kỉnh Đen, Dĩ và thằng Tổng không nói về việc bị khai báo cho ta nghe sao ? Gần đây bọn Tờ-rốt-kít trí thức ở Saigon đang rêu rao “thằng đó” là mật thám”
– “Đám Huỳnh Văn Phương, Hồ Văn Ngà, Hòa Vĩnh Ký mà nói thì tôi như “chó táp nước” chỉ có ta mà nói như trong báo Giải Phóng đó thì mới thiệt là hại. Cho nên anh Tư Thạch mới cười mà nói “mấy ông nội giải phóng thiếu grammaire (ie. văn phạm).” (ie. tác giả nói)
– “Thiếu grammaire là làm sao ?”
– “Tôi sẽ nói sau… Bây giờ tôi chỉ có Bastos (ie. hiệu thuốc lá thơm của Pháp, được làm ở VN), phải chi có cái gì uống nữa…” (ie. tác giả nói)
– “Tôi có biểu tụi nó, lát nữa cho cái gì thấm giọng.”
– “Nói chuyện này, cần có “chén trà gẫm” thật.
Má tôi dạy tôi thương người. Hồi dân Cao Miên bị đói kéo nhau sang ta xin ăn. Má tôi làm một cái lon cho tôi. Hễ thấy họ tới đưa bị là xúc gạo đổ cho một bị một lon.
Tôi nghĩ lòng thương người hướng dẫn tôi làm CS. Trước khi đi làm CS, tôi nghe người ta nói về người CS bị lận mề gà, mửa ra máu cục. Tôi thương người CS, là đồng chì của tôi.
Rồi gần đây sự hào hiệp của 3 người. Anh Sáu Trạng, anh Tươi và anh Thức, làm cho tôi thấy tình đời đối với người CS mà càng thấm thía tình đồng chí.
Tôi có nghĩ đến những bực lãnh tụ mà mừng. Mừng cho Lénine không bị đè, bị đánh, bị cho uống thùng nước lạnh. Mừng cho hình ảnh của một Lénine.
Chị Đầy không chịu tìm dùm ai cho tôi biết, thì rồi tôi cũng tìm ra.
Tôi biết Lénine có nói : “Dù cho đó là một phần tử của địch gài vào hàng ngũ của ta, thì trong một thời gian nó cũng phải tỏ ra tích cực để mua lòng. Huống chi đây là đồng chí của ta. Ai cũng có lương tâm đeo đuổi suốt đời mình.”
Làm sao anh không biết mấy bà mẹ ta thường nói câu “Cưới đĩ làm vợ” chớ ?”
…”
Anh Thới :
– “Chắc anh Thạch khen anh biết grammaire ?”
Người kể :
– “Ngay với anh Thạch, tôi cũng có grammaire.
Anh Tư ta cũng là tay viết báo. Anh đã viết cho báo Văn Lang chưỡi Staline không có ky (ie. đồ đựng bằng tre dùng để mang đất đá) đâu mà hốt hết; nhưng tôi rộng lòng nghĩ rằng chưỡi Staline thì chưa đủ là Tờ-rốt-kít.
Cũng như người ghét CS thì không nhất định là người không yêu nước.
Tôi chỉ lấy câu “L’opposition reste toujours l’opposition” (ie. Phe đối lập vẫn luôn là phe đối lập) của Lénine nghĩa như ta nói cái nết đáng chết không chừa, mà coi chừng ông bác sĩ này trở cờ.
Tôi thấy anh rất thân với Nhật mà cố gắng khai thác điểm ấy. Sớm mai ngày 9-3, anh đã cho Sự con của giáo Mông cho tôi biết, tối nay Tây lật Nhựt.”
Anh Thới :
– “Còn về mấy “ông nội Tiền phong”.”
Người kể :
– “Anh chờ một chút. Để tôi nói dứt vạt về anh Thạch.
Nếu nói anh thân Nhựt mà sợ oan cho anh, thì nói người Nhựt rất thích anh. Chính anh đã nói rằng Nhựt chấm anh làm Tổng trưởng Ngoại giao trong một chính phủ bù nhìn dự tính. Anh không chịu cho rằng mình không lợi dụng nó được bao nhiêu mà đi làm dơ cái tên mình, không thể rửa sạch.
Chúng ta đã có Thanh niên Tiền phong, mà chúng tôi và chính tôi đã có chủ trương lồng Thanh niên Cứu quốc vào như đã thực hiện ở Chợ Đệm ngày 14-7 vừa qua (1945).
Các anh chê cái sản phẩm của Nhựt ấy. Tôi không cãi lại bây giờ. Vì nói Thanh niên Tiền phong thì làm sao không nói với thủ lãnh Phạm Ngọc Thạch được.
Đúng ! Nó là tổ chức mà ta xin phép Nhựt, vá có sự đỡ đầu của Lida, một vị quan của Nhựt, như Pháp đã có Ducoroy, phụ trách phong trào Thanh niên và thể dục Đông Dương.
Trong cái bụng chứa sự lợi dụng thì sao không biết chớ. Bề ngoài mà thấy thì Lida, Phạm Ngọc Thạch là đôi bạn rất thân.
Xét về lời ăn tiếng nói thì Lida này có tư tưởng tiến bộ.
Anh ta đã có lần đi với Phạm Ngọc Thạch lên Pnong Penh để nói chuyện với thanh niên Khmer. Anh ta đập bàn mà nói những lời khích lệ.
Về sau nói chuyện với thanh niên Saigon, Lida cũng nói lại y như vậy :
“Các anh hãy biết sự Độc lập. Cái độc lập thực hiện với vinh quanh rực rỡ của nó không
phải tự nhiên ai đem đến dâng cho các anh; nó chỉ có thể đạt được bằng chiến đấu và hy sinh rất nhiều.
Phụng sự, luôn luôn phụng sự, đó phải là khẩu hiệu của các anh. Chúng ta đang ở thời kỳ mà nước VN phải đem tất cả những tinh lực của thanh niên ra để tóm lại cái hùng cường oanh liệt của thuở xưa kia. Các anh không được ngồi không. Từ thành thị đến thôn quê, các anh phải ra sức làm việc theo khả năng của mình. Những kẻ trốn bổn phận của mình là người phản quốc.”

Tôi nói sôi nổi phải ngừng để nuốt nước miếng. Người nghe tưởng đâu tôi thôi, bèn :
– “Anh là nhà báo nên nắm tài liệu cũng khá. Nhung tôi thấy thiếu. Hay anh cố ý quên ?”
Tôi hỏi lại :
– “Anh cho là tôi quên cái gì ?”
Anh Thới cười :
– “Quên cái chén chung tình, sao không uống cạn ?”
– “Dạ, chén chung tình là chén rượu gì ?”
– “Rõ ràng Thanh niên Tiền phong là do các anh xin lập theo ý muốn của quân Nhựt.Bọn Nhựt đã có tổ chức Hei Hô, “Nhựt Việt Phòng vệ Đoàn” rồi, nay nó muốn cho cái Thanh niên Tiền phong này cũng “làm thịt cho họng súng đồng” nhưng có các anh hô hào với dân rằng, chúng ta có chết cũng mát ruột, vì Đại Đông Á đem lại độc lập cho VN ta ! Có phải đó là chén rượu chung tình hôn ?”
– “Thiệt đúng như anh Thạch đã cười các anh : “Văn chương thì hùng hồn đó, nhưng thiếu grammaire.”
Tôi không quên được Lida nói đó là nói trong tiệc trà. Bày ra để giới thiệu những người sẽ “lập” Thanh niên Tiền phong với y ta.
Lida bưng chén trà lên mà nói :
“Chức quí bạn sẽ cố gắng để cho nước VN được độc lập, trong Đại Đông Á toàn thắng.” ”
Anh Thới :
– “Và người CS nghe mà mê tôi.”
– “Dầu cho có cái về sau, lời chức đó có giá trị động viên rất lớn đối với thanh niên ta. Vã lại cái về sau là nói trối chết. Đức đã đầu hàng Đồng minh vô điều kiện rồi. Đại Đông Á của Nhựt mà toàn thắng ? Nó coi ta như trẻ con. Nó lần chúng ta chỉ muốn kịp thời được cho phép tổ chức ra một cái gì đề anh em đắc chí với Tổ quốc.”
– “Được rồi ! Chớ còn cười nhóm Giải phóng không có grammaire là sao ?”
– “Đó là Tư Thạch nói về bài báo ‘Từ Xuyên Vân Nhạn đến nhóm Tiền Phong’. Bây giờ tôi xin anh : Tôi nói một chút về tôi. ”

Vừa vặn anh liên lạc khi nãy bưng vô 2 ly xiểu-phê.
Tôi hớp một hớp rồi nói :
– “Năm ngối tôi đã nói với anh Nguyễn, hôn nay tôi nói lại với anh : “Xin anh vì kiếp sống chính trị của tôi, mà vì tình của tôi đối với mẹ, mà làm chứng cho tôi.” ”
Nghe vậy anh Thới cũng rứt ly nước đá ra khỏi môi và hỏi :
– “Gì mà có kịch tính dữ vậy ?”
– “Cuối năm ngối, có lần tôi về Phú Lạc, ông Sáu nói : ‘Tối mai ta đi gặp mấy thằng Tây Kháng chiến’. Tôi nghẻo đầu, có gật đầu.”
– “Bảy giờ, trong tiệm mì Vassoigne nha.”
Tôi bèn nhảy lên xích thố (ie. xe ngựa) sải xuống Gò Công. Tội nghiệp nằm luôn ở Côn lôn. Tạo, Nguyễn mãn 5 năm tù, nay đang đếm “10 năm biệt xứ”, Nguyễn ở Gò Công gần. Tạo Rạch giá, Mai Bà Rịa đều xa.
Tôi gặp anh Nguyễn, kể chuyện ông Sáu biểu đi gặp Tây, và xin Nguyễn về sau hãy làm chứng cho “khí tiết” của tôi.
Nguyễn Văn Nguyễn vổ đùi :
– “Được lắm phải làm chính trị có tầm cỡ (une politique d’envergure) như vậy mới được…
– “Ừ thì được. Tôi dẽ (ie. nói vuốt theo) đi. Anh sẽ làm chứng cho tôi.
Tôi đi. Theo lời nói là đi gặp mấy thằng Tây “de la résistance” (ie. phản kháng) (tôi có nhớ lại. Năm 1939, tôi có diễn thuyết với cái gọi là “Liên hiệp Chống Phát-xít”, Ligue Antifasciste, của Tây tại Saigon tổ chức. Trong đó có mấy ông thầy cũ Charvet, Revertegat (họ mời nhóm Le Peuple Antifasciste) (ie. Người chống Phát- xít).
Tôi gặp được ai. Nhà số 19 Jean Duclos, tôi vừa đi vào thì thấy Sáu ngồi gần cửa. Bên tay trái của anh Sáu là chủ nhà. Một thằng Tây quen : Sauteray, Thơ ký của bộ phận SFIO (Section Francaise de l’internationale Ouvrière) (ie. Cục Lao Động Quốc tế Pháp) là Đảng Xã hội ở Saigon. Bên phải ông Sáu… Trời ơi, nó là thằng Duchêne, Thanh tra chính trị của bót lính kính ở Catinat. Tôi lần lượt bắt tay hai thằng Tây, và ngồi xuống ghế trống.
Thằng Duchêne dường như thấy tôi có gì lúng túng bèn nói hỏi tôi :
– “Bấy lâu bọn nó tìm chẳng thấy anh. Và nay thì sự tìm bắt với anh, tôi đã cắt rồi. Hôm nay ta gặp. Chắc anh cũng nghĩ, không gì cấm thằng cảnh sát làm người. Nó cũng như các anh đang nghiêm chỉnh phục vụ tổ quốc các anh.”
Tôi đã biết câu ngạn ngữ Tây : “Le gendarme est sans pitié” (ie. Cảnh sát tàn nhẫn) mà lại vừa nghe còn nóng tai câu tuyên bố của tên tướng Mordant khư khư đối với chủ quyền Pháp ở Đông dương.
Vậy tin cái anh mật thám này, thì bằng “tin bồi Ba Cụm”.
Có điều làm cho tôi sửng sốt và bất bình là trước mặt thằng Duchêne có trải ra tập “Rạng đông Của một Dân tộc”. Chứng tỏ trước khi tôi đến, người ta đã thảo luận về những câu “đánh Pháp đuổi Nhựt thì chúng nó đánh cho chết không kịp ngáp” và “cờ vàng là cờ thiên cổ, còn cờ đỏ là của VM.”
Chỉ có một cái biện hộ cho Xuyên Vân Nhạn là trong tập sách ấy có nói xa xa, gần gần đến chuyện cho cả hai đề “trợt vỏ chuối”.
Đánh đứa nào thì đánh một đứa mà thôi.
Vậy nên nói với Tây thì nói chống Nhựt. Nói với Nhựt Đại Đông Á toàn thắng muôn năm. Con Xuyên Vân Nhạn đậu trên vai Phạm Ngọc Thạch mà rỉa lông.
Nếu vừa mới đi theo ông Sáu đi gặp Tây mà tôi đã nghĩ ngay, mình sẽ khỏi số mạng như anh Văn, bị bắt và bị đánh chết, thì tôi thiệt không đáng làm người.
Nhưng khi nghe thằng mật thám nó bỏ lịnh tập nã thì tôi có “thở ra”. Một niềm xấu hỗ.
Tôi không tin là nó ngu dại để bị “trợt vỏ chuối” của Xuyên Vân Nhạn, tôi cứ biết rằng lính kín Tây không bắt tôi nữa, tôi xoè cây quạt địa bàn hoạt động rộng ra.
Thật éo le mà dạn lên.
Trước lúc ở Vĩnh Cữu xuống thì đi ngay nhà anh Trân rồi lén về nhà mình.
Bây giờ tôi đi vào ruột Saigon. Có tới 6, 7 địa diểm dừng chân. Nơi ăn : nhà in và đóng sách Nguyễn Phú Hữu, nhà Tám Chiếu vựa tre lá. Chốn hội họp : Trường Bá nghệ, đường Đỗ Hữu Vị, nhà số 5 Farinoles của anh Bảy Khảm, tiệm chụp hình Ba Thy Photo, ở ngay trên đường Catinat và nhà chị Ba Bầu ở Phú Nhuận.
Tại Ba Thy Photo, một chiều thứ bảy, ăn mặc chỉnh tể, tôi nói chuyện VM cho ông thầy kiên Trịnh Đình Thảo, Lê Văn Kim và Vương Quang Nhường nghe.
Anh Bảy Khảm là Thơ ký phủ toàn quyền nên mời được những ông quan đương chức như Đốc phủ Hậu, Đốc phủ Thơ, huyện Xuân đến nhà anh để nghe một người CS nói về VM và tình hình đất nước.
Tôi cũng lấy khu nhà của mấy thầy ở trường Bá nghệ trong đó có anh ruột tôi là Nguyễn Văn Ân để tổ chức Công chức Cứu quốc, có chân trong Mặt trận VM.
Tôi nhớ các anh lắm.
…”

Anh Thới :
– “Nhưng không dám đi gặp vì chúng tôi là đảng viên. Liên lạc với tôi mà nó bắt được thì như nó bắt được anh Văn.”
Người kể :
– “Cũng có thể vậy, mà cũng không phải vậy.
Từ cuối 1944, mật thám Pháp như rắn nước lụt, nằm quấn xà nẹo với nhau chớ không dám bò đi bắt ai. Chúng nó đều bủn rủn chí khí.
Tôi nhớ các anh cứ rị mọ trong đồng, tuyên truyền thì rỉ tai, tổ chức lượm từng người.
Nhớ các anh mà nhớ Staline nói, “phải biết tổ chức lại qui mô, theo phong cách đại công nghiệp chớ không phải làm ăn theo người sản xuất nhỏ tiểu qui mô.”
Việc làm gặp lắm. Hôm trước Tết, máy bay Mỹ đã bắn quân Nhựt, nhưng đồng bào ta ở Dixmude chết rất nhiều.
Nhớ các anh, tuy không gặp mặt mà lòng không xa.
Và anh nghĩ coi, Tôi có chị Hai Sóc. Tôi có anh giáo Mông thì làm sao, các anh nghĩ gì mà tôi không biết. Tôi đọc Giải phóng thường xuyên và có đọc Cờ Giải phóng cơ quan Trung ương của Đảng nữa kìa. Mà Trường Chinh là ông nào vậy ? ”

Anh Thới :
– “Tổng bí thơ mới … gì đó của Đảng.”
– “Chắc bài “Để thống nhất Đảng bộ Nam kỳ, hãy kịp đi vào đường lối” đăng ở Cờ Giải phóng là của ổng viết. Trước cuộc đảo chính 9-3, các đồng chí Hậu giang ra báo Tiền Phong đề xướng khẩu hiệu “Kháng nhựt kiến quốc”, chủ trương rút khẩu hiệu chống Pháp, lấy cớ là để bắt tay Pháp dân chủ đánh Phát-xít Nhựt. Các đồng chí Tiền giang viết trong báo Giải phóng, đuổi nhóm Tiền phong là thân Pháp và chỉ được biểu dương tinh thần bài Pháp, các đồng chí ấy vẫn giữ khẩu hiệu “Đánh đuổi Phát-xít Nhựt-Pháp” sau cuộc đảo chính.
Một bên khi chính quyền Pháp vẫn còn đè đầu lên cổ dân ta, mà đã bỏ khẩu hiệu chống Pháp đi, lấy cớ là để dễ liên lạc với Pháp dân chủ như vậy là không đúng, như vậy là sai lầm hữu khuynh. Còn các đồng chí Tiền giang sau khi Trung ương đã đổi khẩu hiệu rồi, tức là sau 9-3-1945, Nhựt đã đảo chính hất Pháp mà vẫn giữ khẩu hiệu “Đánh đuổi Phát-xít Nhựt-Pháp” thì cũng sai nốt.” ”

Anh Thới :
– “Phải vậy mà Phạm Ngọc Thạch cười Giải Phóng là không có grammaire (ie. văn phạm).”
Người kể :
– “Có lẽ Tư Đá nói từ những lời nói này của ông Trường Chinh.
Ông này nói :
“Đọc những tài liệu và truyền đơn của nhóm Tiền Phong… chúng tôi nhận thấy rằng tác giả là tên đại cơ hội, những bài của Xuyên Vân Nhạn viết là cơ hội. Lúc bấy giờ, chúng tôi lưu ý cả về văn thấy văn rất kêu, rất lưu loát, trơn như mỡ, chúng tôi nghĩ rằng như vậy lại càng nguy hiểm vì những tư tưởng sai lầm, cơ hội chủ nghĩa mà lại viết với một lời văn hoa mỹ thế này thì dễ lọt tai và làm cho những người trình độ chính trị thấp bị lôi cuốn.”
Tư Đá có phê phán cái gọi là “cơ hội chủ nghĩa”.
– “Cái logique của cuộc đời là : bất cứ sự kiện nào đã xảy ra, đều trong điều kiện nhất định mà đó là ‘cơ hội’ giúp cho nó xảy ra được.
Sao anh lại ưa dùng chữ vô nghĩa để trách cứ người ta, và ở đây dùng chữ cơ hội để mắng mỏ, nhục mạ. Sự hiểu biết thời cơ, đón nắm mà xử sự nó có “mẹo luật” cho sự thắng lợi chính trị của mình.
Bởi vậy theo tôi thì phải khéo léo cổ võ Xuyên Vân Nhạn, chớ có sao đi hạ nhục anh ta.”

Á ! mà nói anh ta là đại cơ hội, thì lại là khen ngợi anh ta.
Tại sao toan làm mất uy tín của “người nhà” trước tình hình :
Quân Nhựt đang nhằm đào tạo dự bị quân, đã tổ chức ra cái Nhựt Việt Phòng vệ Đoàn, thu hút được một số rất đông thanh niên con em của nhân dân lao động nghèo đói không công ăn việc làm.
Nó cho lập ra những tổ chức chính trị, nói một cái là :
VN Phục quốc đồng minh hội.
Hội chủ là Kỳ ngoại hầu Cường Để.
Hội phó là Trần Quang Vinh, anh lớn con của giáo phái Cao Đài Tây Ninh.
Hạt nhân của hội này là :
VN Quốc gia độc lập đảng, đứng đầu là Nguyễn Văn Sâm, Hồ Văn Ngà và Trần Văn Ân.
Đảng này đang ra sức tập họp một số đảng phái chính trị có khuynh hướng thân Nhựt để lập ra mặt trận gọi là Mặt trận Quốc Gia thống Nhất gồm có nhóm La Lutte đang xướng danh là nhóm tranh đấu;
Liên đoàn giáo chức Agfali;
Tịnh Độ cư sĩ;
Phật giáo Hòa Hảo;
Các giáo Phái Cao Đài
Đảng chú ý các đoàn thể này đều có Tờ-rốt-kít làm quân sư hay lãnh đạo.
Đặc biệt là Phan Văn Hùm đã thảo lời hịch và chương trình cho Dân chủ Xã hội Đảng, gọi tắt là Dân xã Đảng do đức Chí tôn làm chủ miền Tây và Tây đô.
Đó là “gà Nhựt”.
Đây là “gà Tây”.
Sau ngày Nhựt đảo chánh, chuồng gà Tây coi như đã bị sập, quân lính bị giam, quan lại Tây mất chức và chịu tập trung trong cái Cité Hérault ở Phú Nhuận. Nơi đây cũng là có “địa điểm X” của phong trào kháng chiến (Mouvement de Résistance) mà tôi đã đến.
VN ta có nói “trây máu ăn phần”. Ta dùng để nói mục đích của “phong trào kháng chiến” này là ăn phần với sự thắng trận của Đồng Minh mà dành lại “chủ quyền Pháp ở Đông dương”.
Việc đó để đó…
Tôi xin nói với anh em về ông Bùi Quang Chiêu. Ông mọc đầu trở lại với phong trào tự trị của ông.
Nói là “trở lại” vì nó đã có rồi.
Khi xưa, vào những năm mà Phan Chu Trinh cưu mang đường lối Pháp Việt đề huề.
Vào những năm đầu thập kỷ 20, Nguyễn An Ninh khua cái chuông rè, vang tiếng ngân nga hòa hợp quyền lợi giữa 2 nước, nước VN và nước Pháp khác kia-khác với chính phủ thuộc địa này_ cái nước Pháp cao thượng, vị tha và quảng đại.
Bùi Quang Chiêu lên tiếng nộp đơn “đấu giá” cái tự trị của De Gaulle.
Ngày 8-2-1943, De Gaulle lưu vong tuyên bố về chính sách của “nước Pháp tự do”, khẵng định quyết tâm của Pháp “giải phóng Đông dương” và bảo vệ những quyền lợi của Pháp đối với thuộc địa này. Đồng thời hứa thực hiện một vài cải cách cho Đông Dương từng bước được hưởng qui chế tự do.
Đã nói đi như vậy rồi, ngày 24-3-1945, ở Brazzaville còn được khẵng định lại : cho quyền tự trị về kinh tế tài chánh trong khuôn khổ liên hiệp Pháp. Còn về chính trị thì nền tự trị sẽ được thực hiện cho các thuộc địa sau một quá trình tiến hóa lâu dài và tích cực..
Anh biết hôn, Vài hôm sau ngày “9-3”, tôi về nhà Bảy Trân, quen với tinh thần trách nhiệm đối với bà con cô bác, tôi ngồi lại viết một tờ truyền đơn có lời tựa kêu gọi :
Đồng bào chớ ăn bánh vẽ của Nhựt dưới ký “Một số đảng viên CS.”
Tôi đưa ông Sáu đọc; không thêm một chữ nào hết, mà chỉ nói xụi lơ “giựt gân!”
Chi Tư Triết, vợ Nguyễn Phú Hữu, cầm cái nháp tờ truyền đơn ấy, bỏ vào trong vớ của chân mang giầy, đạp ga xe hơi, chở tôi đi Rạch giá hỏi ý kiến anh Tạo đang biệt xứ ở đó.
Anh Tạo đọc tờ truyền đơn này khác với lần anh đọc “Lời Tuyên bố của Chúng tôi”. Anh biểu đốt đi. Thằng Nhựt nó bắt được nó chém ngang lưng.
Chị Triết hứ một tiếng dài năm phân, lấy tờ giấy cuộn lại và cho vào trong với…
Tờ truyền đơn này được in. Anh Hữu đích thân thay thợ sắp chữ và chạy máy. Chị Triết đứng gác cửa.
Tôi đã đi rải truyền đơn ấy. Nhẹ nhàng dán một tờ tại vách tường “travaux publics” (ie. xây dựng công cộng), phơi phới sự đền ơn.

Và anh biết hôn ? Sau cái ngày 24-3 của De Gaulle đó, lại có mặt với ông Sáu ở nhà Bảy Trân.
Chiều, tôi đi vào Saigon, ông Sáu đưa cho tôi một tờ giấy học trò và nhờ đi ngang qua phòng khám bịnh ghé vào đưa cho anh Tư Thạch :
– “Nói tôi nhờ điện đi dùm.”
– “Tôi đọc được chớ.” Cái tọc mạch của tôi lên tiếng.
– “Xin mời.” Ông Sáu đáp.
Tôi đọc. Đó là bức điện đánh cho cơ quan đại diện của De Gaulle ở Calcutta. Bức điện nói : “Tự trị là sự mong ước có tính chất lịch sử của VN. Mà nói về lịch sử thì sự đấu tranh sinh tồn của dân tộc này làm cho nó đã có trình độ chín mùi sao lại còn bắt chờ một thời gian lâu dài nữa_ mà lâu dài tới chừng nào ?”
Bức điện không có ký tên. Tôi không hỏi chuyên đó, mà hỏi : “Sao ai thay mặt cho dân tộc VN, mà lại không nói tới độc lập ?”
Ông Sáu trả lời : “Như Lénine, hôm qua ủng hộ Kérensky, hôm nay tuyên bố đả đảo Kérensky vậy thôi.”
Thiệt không biết chữ “cả vú lấp miệng em” còn có nghĩa gì khác không.
…”
Anh Thới :
– “Có anh Thạch đây, tôi cũng nói đó là cơ hội, đại cơ hội làm cho Tây tại chỗ chúng nó uống một gáo nước mưa mát ruột biết chừng nào.”
Người kể :
– “Thì anh Thạch sẽ nói đó mới là grammaire.
Anh biết nha :
Trước mắt chúng ta có một khối quân của cách mạng rất đông. Đó là sinh viên trí thức.
Ta hoạt động chủ yếu ở thành phố. Có lực lượng này mới quậy nổi cho thành phố đứng lên.
Sự hoạt động của VM hay là đảng chính thống, cho tới nay mà mới bu ở ngoại thành; và ở ngoại thành thì chỉ có tính công nông hẹp hòi; hẹp hòi như anh cán bộ nông dân lãnh đạo phong trào.
Tôi biết là đảng đã dạy : “Chúng ta làm đây là làm cách mạng tư sản dân quyền. Mà làm cách mạng tư sản thì phải cùng với tư sản, trí thức. Vậy nên mới có vấn đề Mặt trận.
Mặt trận là sự đồng ý hành động của những người năm cha, ba mẹ. Chớ “con gái”, “con trai” đều là anh đẻ cả, rồi đặt tên Nguyễn Văn, Nguyễn Thị cứu quốc và biểu chúng nó họp lại làm mặt trận thì cái mặt trận ấy là cái “khỉ khô”.
Vậy tôi mới nói về tư sản và con em họ là sinh viên trí thức.
Ông Lénine nói : “Ai dạy bảo thanh niên thì mới nắm được thanh niên.”
Đối với Nam kỳ của ta và sinh viên trí thức của nó thì nói sự dạy bảo họ là dư, chỉ cần có ai đó, mà họ biết là CS, rủ họ đi, là họ đi.
Ai đó là ai ? Trước mắt chúng ta có “thằng bụng” và “thằng dạ”, Tư đá với ông Sáu.
Ngoài ra không còn ai hết.
Sao tôi dám nói : “Dạy bảo họ là dư ?”
Thực tế chính họ là con em, mà họ đã dạy lại cho cha anh.
Họ là học sinh năm 38-39, nhóm Le Peuple và Dân Chúng đã phái tôi đưa tiễn, xuống tàu lên xe… Tốp đi Tây, tốp đi Hà nội học.
Trước khi du học, họ đã được phong trào bình dân khuấy cài quá khứ trong tâm hồn họ.
Phan Chu Trinh nhìn cây đèn sáp cháy lụn mà thở than :
Hé cửa trách ai cho gió lọt
Canh tàn nhỏ giọt tỏ cùng ai
Phan Bội Châu tự ví với :
Lá sen tàn tạ trong đầm
Nặng mang hột ngọc khóc thầm vì hoa.
Và Nguyễn An Ninh thôi thúc :
Càng có trí thức thì càng yêu nước
Rồi phong trào Bình dân nói rõ ra :
Yêu nước là yêu dân, yêu dân chủ.

Họ đã đi học, nhưng không quên… những cuộc vui mà báo Dân Chúng tổ chức, với tên gọi, vốn là Thanh niên CS, đổi thành Thanh niên Dân chủ để đoàn kết rộng rãi chống Phát-xít. Chúng tôi đã cùng vui chơi lành mạnh và tổ chức như Quán Thanh niên (Auberge de la jeunesse) cắm trại và ăn ngoài trời; xin có giang xe (Auto-stop); đi thăm người bạn trẻ, ở nơi bùn lầy nước đọng, đem bài hát cách mạng dạy cho thanh niên nông thôn.
Nay họ đi học Hà nội. Đi xa học khôn. Học với những nhóm có tư tưởng tiến bộ chung quanh mấy tờ báo như Tri Tân, Thanh Nghị, báo Ngày nay với nhóm Tự Lực văn đoàn.
Ra Hà nội họ đã góp phần lập Tổng hội sinh viên và lập hội Sinh viên Nam kỳ, mà Đặng Văn Chung sinh viên trường y làm hội trưởng. Họ đã tham gia Hội Truyền bá Quốc ngữ và hướng cho nó có nội dung yêu nước bằng châm ngôm “Trường văn hóa, Trường học yêu nước”.

Năm 1942 là năm mà họ, nhân dịp nghỉ hè về Saigon họ truyền bá tư tưởng yêu nước, họ vận động trợ giúp người nghèo. Họ lập ra câu lạc bộ học sinh, School Club, có bộ phận gọi là SET chuyên lo về du lịch và tham quan và làm cho thành những cuộc đi thăm lịch sử. Trong những dịp ấy họ có viết kịch lịch sử để diễn…

Anh Thới :
– “Anh biết coi bộ cũng rõ.”
Người kể :
– “Hồi tôi nằm trong rừng, tôi có đọc báo mà viết : “Con đường lập chí của thanh niên” viết mặt trong của bao thuốc Bastos, tôi có đem về đưa cho nhiều người đọc. Họ rất thích cái hình dạng của bản thảo, mà chuyển nó tới nay chưa trở về.
Chuyện làm của họ tôi biết không hết. Tôi biết sơ sơ cũng bắt nghĩ đến má tôi, nghĩ đến các bà mẹ. Ai thấy con mình có hành vi tốt đẹp mà không xúc động. Tôi đã viết thanh niên đi học xa về làm động lòng cha mẹ và thầy. Và cha mẹ và thầy đã theo cách của mình mà giúp sức cho con em.
Tôi nghĩ con em đi biểu tình bị bắt. Mẹ cha cũng phải biểu tình đòi thả con ra.
Má tôi nấu cơm cho anh em làm loạn ăn cũng là vì thương tôi, anh em của những người làm loạn. Nói nghe ngược đời, con cái lại dạy mẹ cha.
Với lòng cảm mến bạn bè, Đặng Văn Chung học trên tôi hai lớp. Lý Vĩnh Khuông tự là Khuông Việt, học trên một lớp. Trịnh Kim ảnh học sau.
Họ về Saigon từ 1942_ đã có báo Thanh Niên của Huỳnh Tấn Phát.
Tôi quí trọng nó như người giữ thừa tự cho đàn em sắp lớn lên.
Tờ báo Thanh Niên bằng bài vở và văn chương lóng lánh đá ngầm, như mấy bà mẹ “bán than” để giữ lúa, vì lòng yêu nước của dân Nam kỳ để đợi dịp phừng lên. Sinh viên Saigon đi Hà Nội học đã thành một khối những thanh niên trí thức tốt nghiệp ở các trường Đại học Y khoa, Mỹ thuật đến năm này họ đã đồng ca bài “xếp bút nghiên”.
Về Saigon, ban đầu họ chỉ mới liên lạc với báo Thanh Niên. Ấy vậy mà dẫn đến việc “làm quen” với Tư Đá và anh Sáu.
Rồi lần lần họ đảm nhiệm luôn tờ báo với ban quản trị gồm Huỳnh văn Tiển, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ mà mở rộng mục đích của tờ báo Thanh Niên.
Xưa mục đích đó là :
Chống lại tình trạng dân nghèo sống trong những căn nhà ổ chuột.
Truyền bá vệ sinh, cải thiện điều kiện ở bằng việc quyên góp, khuyến khích xây dựng những khu nhà ở hợp vệ sinh, những căn nhà Ánh Sáng.
Thì nay, làm cơ quan cổ động cho 3 phong trào :
Truyền bá Quốc ngữ.
Truyền bá vệ sinh và Tân y học.
Dạy về luật.
Hội truyền bá quốc ngữ, ở ngoài Bắc đã có sớm rồi, nhưng Bắc Nam là 2 chế độ chính trị nên hội ở miền Bắc không xin được cho Nam kỳ được nhập hội.
Thì Nam kỳ ta xin phép riêng, chế độ thuộc địa (ie. miền Nam) mà thua chế độ bảo hộ (ie. miền Bắc) à ?
Thì đã nói chính khí của thanh niên Nam kỳ đã làm cho lớp đàn anh phải xúc động. Kết quả là nhiều trí thức, nhân sĩ, giáo sư, bác sĩ đã đứng ra xin lập hội Truyền bá Quốc ngữ và nuôi hội “lớn lên như thổi”.
Đầu năm nay anh em ta ở miền Bắc đói và chết đói, anh em sinh viên trí thức ấy lại tổ chức Ủy ban cứu trợ.
Cho đi cặp kè. Hội cứu “đói chữ”. Ban cứu “đói cơm”. Họ tổ chức hát xướng xin tiền, kêu gọi lá lành đùm lá rách. Lòng trời cũng động nữa là.
Ở đây cũng phải nói tới những mặt trẻ tiêu biểu: Lý Vĩnh Khuôn, Trần Bửu Kiếm, Ung Ngọc Ky, Đặng Ngọc Tốt, Vương Văn Lễ…”

Anh Thới :
– “Từ 41-42, Bắc kỳ, VM đã lưu hành rồi dường như thanh niên ấy không màng tới !”
Người kể :
– “Chính thức nói về VM thì chưa nghe. Mới nghe có Đảng Dân chủ mà lãnh tụ là Dương Đức Hiền. Trong lãnh đạo cũng có sinh viên Nam kỳ là Huỳnh Bá Nhung, con của địa chủ lớn lắm.
Có một sinh viên nữa tên Tạ Bá Tòng có “sinh hoạt” với Thanh niên Cứu quốc; Lãnh tụ là Lê Quang Đạo có tuyên truyền cho Tạ Bá tòng và dặn dò đem cái cứu quốc về đất Nam kỳ phì nhiêu mà gieo ra.
Sinh viên Tạ Bá Tòng nà được gặp anh Sáu và xin tổ chức một chi bộ CS. Anh Sáu khuyên là nên tổ chức Tân Dân chủ đoàn, rồi lần lên Tân Dân chủ đảng và năm nay nó đã lập ra Tân Dân chủ đảng.
Anh Tạ Bá Tòng này chính cống Triều Châu ở Sóc trăng. Cái chi tiết này nói, sinh viên Nam kỳ phần lớn là con nhà giàu lục tỉnh, và khi Đảng Dân chủ được thành lập thì đảng viên rất đông.
Anh hãy bình tĩnh để tôi kể…”

Anh Thới :
– “Có gì làm tôi mất bình tĩnh ?”
Người kể :
– “Tôi nói vậy thôi mà.
Tạ Bá tòng với tư các Tân quân đoàn, tổ chức tại nhà được sĩ Trần Kim Quang, ở Thị Nghè một lớp chính trị do anh Sáu dạy gần 70 đoàn viên thanh niên dân chủ. Học trò mến thầy lại nghe lịch sử của thầy nên họ suy tôn anh Sáu là Bí thư Xứ ủy Nam kỳ_ không biết cái xứ ủy ma nào.”
Anh Thới :
– “Bí thư Xứ ủy Dân chủ, thì không ai nói.”
Người kể :
– “Tới chuyện này mới nói đáng bình tĩnh. Vì ở ngoài kia có “ông râu xanh” ngồi trong lâu
đài của mình mà nói những lời trẻ con sợ.
Anh em trí thức dân chủ là người khởi xướng phong trào Thanh niên, mà anh Sáu là người cờ vàng, đặt tên cho nó là Tiền phong, và góp ý cờ vàng sao đỏ. Màu vàng thiên cổ của dân tộc Giao Chỉ mà !”
Anh Thới :
– “Anh nói sự tích về Thanh niên Tiền phong nghe coi.
Người kể :
– “Sau 9-3, các đầu não công sở, người của Tây bị thay bởi người của Nhựt.
Giáo sư Lê Văn Huấn được phong Giám đốc sở Thể dục Thể thao Thanh niên Nam kỳ.
Hồi thời Pháp, như anh biết có phòng Thanh niên thể thao của tên Ducoroy.
Bây giờ có 4 nhà trí thức : Kha Vạn Cân bác vật tư sản, nha sĩ Nguyễn Văn Thủ (con nhà nghèo được địa chủ mướn, cho đi học), bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (có ruộng ở Rạch giá cũng nhiều, nhưng được tiếng là đốc tờ bác ái) và thầy kiện Thái Văn Lung, trí thức tự do.
Họ tổ chức ra : Ủy ban VN Thanh niên Thể thao Tổng hội. Cái tên tổng hội nghe xôm vậy, chớ nó cũng phụ thuộc ban quản trị của Sở ông Huấn.
Trong tình hình Mussolini bị hạ sát (28-4-1945), Hitler tự tử (1-5-1945), máy bay đồng minh bắn nát đất Nhựt, bắn tới quân Nhựt đang đóng trên đất nước ta, ai cũng thấy quan Nhựt sắp thua tới nơi rồi.
Vậy thì vận mạng của đất nước đang đòi hỏi ở thanh niên một sứ mạng vì dân cứu nước, yêu chuộng hy sinh. Cái Ủy ban Thanh niên kia mỏng manh quá để chịu sự thử thách của thời cơ. Nó phải thoát khỏi sự lãnh đạo của Sở mà thành một cái gì “vì mình”; tự thân là một phong trào, mới gánh vác nổi nhiệm vụ mà lịch sử giao cho.
Nó lại được một người Nhựt “tự do” và có thần quyền là Lida, khích lệ cho việc tiệc trà đãi anh ta mà hồi nãy tôi nói là tiệc trà giới thiệu thủ lãnh tương lai của phong trào cho (ie. do) anh ta “đỡ đầu” làm đơn xin phép với Thống đốc Minoda.
Chuyện xin và được phép tổ chức Thanh niên Tiền phong cũng rất là thú vị.
Cái đơn gởi lên Thống đốc đã được một tuần mà không thấy trả lời, bốn anh nhà ta nhờ một người Nhựt tên Kamura dẫn lên Minoda.
Nghe thưa bẩm tự sự, Minoda gọi thư ký riêng của mình mà hỏi. Vì thơ ký này là Đốc phủ Hậu, đã là thân chủ của tôi về “Chương trình VM”. Ông thấy làm đơn xin tổ chức với Phát-xít, ông không ưa nên cố tình dập cái đơn. Nhưng ông này rất khôn.
Khi Minoda hỏi sao không báo cáo về đơn ấy thì ông thưa :
– “Đã được hơn một tuần rồi, nhưng vì tình hình mới ngày một căng thẳng nên chưa đem
ra trình. Cái đơn ấy để nằm sẵn, dưới tấm kiếng trên bureau của ngài.”
Minoda không quở trách, đọc đơn rồi ghi cho phép.
A ! Như cờ mở trống rung. Thanh niên Tiền phong ra mắt tại sở thú ngày 1-7. Tuần sau, Thanh niên Tiền phong Cần Thơ ra mắt và giới thiệu thầy giáo Khéo là thủ lãnh. Kế đó là Bến Tre, thầy giáo Cái.
Chúng tôi họp nhau, quyết định lồng Thanh niên Cứu quốc của ta khắp các nơi, các nghành nghề, các giới vào Thanh niên Tiền phong.
Thành ra ở sở làm việc nào cũng có Thanh niên Tiền phong. Mấy chị bán cá, bán trầu ở các chợ Saigon đều “là” Thanh niên Tiền phong.
Và anh biết đó, Chợ Đệm thường niên ăn lễ “Cách to duy dê” (ie. ?) lớn lắm. Năm nay 14 juillet làm đại hội Thanh niên Tiền phong của tỉnh Cholon, cử Võ Lợi Trinh tư sản chủ nhà máy xay lúa gạo làm thủ lãnh. Phó thủ lãnh là Kiều Tấn Lập, quê ở Cần Đước, rất giỏi tiếng Nhựt, đảng viên Quốc gia Độc lập Đảng.
Trước khi ra họp giữa chợ, để làm lễ “thọ phong” thì có họp trù bị trong nhành lúa của nhà máy xay Vô lợi. Trước các đại diện thanh niên Cứu quốc Cholon, Kha Vạn Cân nói mục tiêu chính trị của Thanh niên Tiền phong, anh đã bị Thanh niên Cứu quốc, Phước Tỉnh chất vấn về mục đích tổ chức do Nhựt cho phép : vậy là trúng tủ của kẻ địch, muốn bắt Thanh niên Tiền phong ta đứng đỡ đạn cho chúng nó.
Thấy diễn giả muốn cà lăm, tôi phải leo cửa sổ xin nói. Không có tôi, không biết Kha Vạn Cân làm sao rút chân ra khỏi đám lầy.
Anh Thới à,
Anh em người tại chỗ và người có trách nhiệm nên mới thấy cách mạng đang cần có sóng bủa trên mặt sông một phong trào thanh niên. Nhưng Thanh niên Cứu quốc thì bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Vậy thì phải có một phong trào mà kẻ địch cho phép. Ngỡ là của nó. Nó bị trợt vỏ chuối. Nhưng đó không phải là Tư Đá, anh Sáu có tài lừa gạt nó. Đó chẳng qua là cái thế nó yếu, nó sắp thua trận mà thôi.
Bây giờ xin anh cho tôi về.
Gặp được anh như tôi được liên lạc với Đảng và nghĩ đến việc Đảng đánh giá tôi.
Thời giờ coi chừng gấp lắm. Ta vừa lợi dụng địch mà tổ chức quần chúng. George Dimitrov đã dạy vậy. Mà còn trong “Mặt trận Thống nhất chống Phát-xít” dặn chúng ta “Hãy tổ chức riêng biệt mà đánh một lượt” (Organiser séparément et frapper ensemble).
…”

==================================

Mục Lục, P. 1, P. 2, P. 3, P. 4, P. 5, P. 6, P. 7, P. 8, P. 9, P. 10, P. 11, P. 12, P. 13, P. 14, P. 15, P. 16, P. 17, P. 18, P. 19, P. 20, P. 21

Leave a comment